Lan Kiếm là một trong những loại lan hiếm hiện đang được rất nhiều người “chơi cây” săn đón. Những chậu cây nhỏ nhắn với những bông hoa sắc màu sẽ tô điểm cho khu vườn của bạn thêm phần sinh động. Vậy cách trồng Lan Kiếm như thế nào? Cần chăm sóc ra sao để chúng phát triển tốt nhất? Cùng Nông Nghiệp Đẹp tìm hiểu ngay nhé.
Bạn đã biết gì về cây Lan Kiếm chưa?
Lan Kiếm còn biết đến với tên khoa học là Cymbidium finlaysonianum. Loài thực vật này thuộc dòng địa lan, có nguồn gốc từ Đông Á. Qua khảo sát cho thấy, Lan Kiếm thường xuất hiện ở các vùng rừng nhiệt đới tại các nước: Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia hay bắc Ấn Độ,…
Loại lan hiếm này là dòng cây thuộc loại thân thảo, phân nhánh và chúng thường mọc thành bụi. Cụ thể, đặc trưng của cây Lan Kiếm như sau:
- Phần thân cây Lan Kiếm: Bao gồm những bẹ lá dày mọc từ gốc, chúng có màu xanh mướt vô cùng bắt mắt;
- Lá cây Lan Kiếm: Chúng có hình lưỡi kiếm, khá cứng và vươn thẳng ra phía bên ngoài, chiều dài của lá Lan Kiếm dao động trong khoảng 50 – 70cm và có chiều rộng từ 3 – 5cm. Một trong những điểm đặc biệt của lá cây Lan Kiếm chính là chúng sẽ thay đổi theo môi trường, thời tiết. Khi chậu cây được đặt ở nơi ít ánh sáng, phần lá sẽ có màu xanh đậm và dày hơn, ngược lại chúng sẽ ngả màu vàng và mỏng hơn khi trồng ở nơi có nhiều ánh sáng.
- Phần rễ cây Lan Kiếm: Lan Kiếm thuộc dạng rễ chùm, đầu rễ thường có màu trắng hoặc tím, trong khi đó phần thân rễ sẽ có màu trắng ngà.
- Hoa cây Lan Kiếm: Thông thường, mỗi cành Lan Kiếm sẽ có khoảng 20 – 50 bông hoa, chúng mọc từ nách lá và rũ xuống đất. Hoa Lan Kiếm khá lớn, sở hữu màu sắc rực rỡ và có hương thơm nhẹ nhàng, dễ chịu.
Đặc điểm của những loại Lan Kiếm phổ biến
Trước khi tìm hiểu qua cách trồng Lan Kiếm, bạn cần biết được đâu là loại cây mà mình muốn trồng đã nhé. Ở thời điểm hiện tại, có 4 loại Lan Kiếm phổ biến, bao gồm: Lan Kiếm lô hội, Lan Kiếm tiên vũ, Lan Kiếm dừa và Lan Kiếm hai màu. Về cơ bản, mỗi loại Lan Kiếm đều sở hữu những đặc trưng riêng biệt.
Lan Kiếm tiên vũ
Trong số các dòng Lan Kiếm kể trên, Lan Kiếm tiên vũ có kích thước lớn nhất. Chúng sở hữu những chiếc lá có kích thước chiều rộng khoảng 3 – 7cm và chiều dài đến 1m, bên cạnh đó chúng còn khá dày và cứng.
Trong khi đó, những cành hoa lại có chiều dài từ 50cm – 1m, trên chúng thường có khoảng 30 bông hoa. Đặc trưng của những bông hoa này là có đường kính lên tới 4cm, sở hữu màu sắc rực rỡ và hương thơm thoang thoảng.
Lan Kiếm lô hội
Lan Kiếm lô hội thường phân bố phổ biến ở những vùng núi phía bắc. Về đặc trưng, những cây Lan Kiếm lô hội sở hữu những chiếc lá nhỏ, dày và cứng. Lá có đường kính khoảng 3cm và chiều dài dao động 30 – 70cm, thường vươn thẳng ra ngoài.
Màu sắc của hoa Lan Kiếm lô hội vô cùng nổi bật. Chúng thường có màu đỏ nâu, bắt đầu nở từ tháng 2 đến tháng 4. Những bông hoa Lan Kiếm lô hội có kích thước khá lớn, chùm hoa Lan Kiếm dài khoảng 60cm và mỗi bông hoa sẽ có đường kính khoảng 2 – 4cm. Tương tự như Lan Kiếm tiên vũ, hoa của Lan Kiếm lô hội cũng có mùi thơm dịu nhẹ.
Lan Kiếm hai màu
Lan Kiếm hai màu có những chiếc lá cứng, dày với chiều rộng khoảng 3cm cùng chiều dài lên đến 70cm. Những bông hoa của giống lan này trông khá bắt mắt. Chúng thường có màu viền vàng và nâu đỏ. Lan Kiếm hai màu thu hút ánh nhìn bởi những chùm hoa dài 70cm và mỗi chùm hoa có khoảng 30 – 40 bông. Mùa xuân là thời điểm giống Lan Kiếm này khoe hương khoe sắc rực rỡ nhất.
Lan Kiếm dừa
Lan Kiếm dừa có kích thước nhỏ nhắn hơn hẳn những loại Lan Kiếm kể trên. Chúng sở hữu phần lá dày và dài lên đến 1m, trong khi đó chiều rộng của lá chỉ khoảng 1 – 2cm. Những nụ hoa của Lan Kiếm dừa thường nở từ 3 – 5 ngày vào mùa xuân. Mỗi chùm sẽ có từ 10 – 20 bông, mỗi bông sẽ có đường kính khoảng 5cm. Hơn hết, hoa Lan Kiếm dừa còn có hương thơm ngọt đầy quyến rũ.
Bên cạnh 4 loại Lan Kiếm được kể trên, chúng ta còn có thể kể đến những loại lan quý được nhiều người ưa chuộng khác như: Lan Kiếm xanh huế, Lan Kiếm vị hoàng,…
Cây hoa Lan Kiếm có ý nghĩa như thế nào?
Như những thông tin đã chia sẻ bên trên bạn cũng thấy, hoa Lan Kiếm có nhiều màu sắc khác nhau. Và thực tế, mỗi màu hoa sẽ mang đến những ý nghĩa riêng biệt. Để biết được giống cây nào phù hợp với nhu cầu của mình, bạn nên hiểu rõ về chúng, cụ thể:
- Màu đen: màu sắc hoa đại diện cho sự trang trọng, ấn tượng và huyền bí.
- Màu đỏ và màu hồng: những màu hoa thể hiện sự quyền lực, lộng lẫy quyến rũ.
- Màu trắng: màu hoa Lan Kiếm này đại diện cho sự tinh khôi, thuần khiết, mộc mạc nhưng không nhạt nhòa.
- Màu trắng ngà: màu hoa này tượng trưng cho sự e ấp, ngại ngùng và nữ tính.
- Màu tím: màu hoa dịu nhẹ đại diện cho sự thủy chung, mê đắm.
- Màu tía: một màu sắc khá hiếm, thể hiện sự chân thành và thu hút.
- Màu lục: màu hoa Lan Kiếm độc lạ này thể hiện sự tinh tế, bí ẩn và mạnh mẽ.
- Màu vàng: màu sắc rực rỡ của hoa thể hiện cho sự giàu năng lượng và sang trọng.
- Lan Kiếm nhiều màu: những chậu hoa kết hợp màu sắc đặc biệt như thế này thể hiện cho tài lộc và tráng lệ.
Hướng dẫn cách trồng Lan Kiếm
Cách trồng Lan Kiếm không quá phức tạp. Nhìn chung, bạn hoàn toàn có thể tiến hành trồng loại cây cảnh trong nhà này bằng phương pháp chiết cành để nhân giống. Thực hiện theo đúng hướng dẫn về cách trồng Lan Kiếm bên dưới đây bạn sẽ dễ dàng thành công đấy.
Chuẩn bị
- Chọn giống cây khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, không bị sâu bệnh.
- Những cây gốc bạn chọn phải có trên 3 năm tuổi.
- Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho quá trình trồng cây như: dao, kéo, chậu, đất, thuốc sát trùng, giá thể (đất ao bùn, sỏi)…
Cách trồng Lan Kiếm
Bước 1:
- Tiến hành tách nhánh cây và cắt bỏ những chiếc lá vàng và phần rễ khô,…
- Tiếp đến, dùng dao cắt nhánh cây thành từng khóm, lưu ý mỗi khóm nên tách thành 2 đến 3 nhánh để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Bước 2:
- Sử dụng một lượng thuốc sát trùng vừa đủ đã được chuẩn bị trước đó bôi lên phần vết cắt.
- Sau đó hãy mang chúng đặt trong bóng râm khoảng 1 ngày.
Bước 3:
- Trực tiếp rải dưới chậu một lớp than.
- Bắt đầu cho giá thể đã chuẩn bị lên trên phần than với độ dày khoảng 8cm (tính từ phần đáy chậu).
Bước 4:
- Tiến hành định hình khóm lan ở giữa chậu.
- Tiếp tục rải giá thể phủ đều phần rể.
- Cuối cùng, tưới nước cho cây và đặt chậu lan vào bóng râm.
Lưu ý: Cách trồng Lan Kiếm sinh trưởng và phát triển một cách tươi tốt chính là đảm bảo được độ ẩm. Bên cạnh đó, bạn còn nên tránh đặt cây tại vị trí tiếp xúc ánh nắng trực tiếp từ mặt trời.
Hướng dẫn cách chăm sóc Lan Kiếm
Sau khi nắm được cách trồng Lan Kiếm, bạn có muốn biết cách chăm sóc loài cây này thật tốt hay không? Theo kinh nghiệm của những chuyên gia trồng cây cảnh, bạn cần phải đảm bảo được hết các yếu tố như: nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm và phân bón.
Nhiệt độ thích hợp
- Không nên đặt chậu cây Lan Kiếm ở những vị trí có ánh nắng chiếu trực tiếp từ mặt trời.
- Biên độ nhiệt mà cây Lan Kiếm có thể chịu được dao động trong khoảng 15 độ C – 35 độ C.
- Để cây phát triển thật tốt, bạn nên trồng cây Lan Kiếm ở nhiệt độ từ 20- 30 độ C.
- Khi đến giai đoạn cây ra hoa, vào ban đêm nhiệt độ thích hợp là 7 – 10 độ C, trong khi đó ban ngày là từ 18 – 22 độ C.
Về ánh sáng
Nên đặt Lan Kiếm dưới những bóng cây, muốn cây phát triển tốt bạn nên để chúng trong giàn che lưới, như vậy chúng sẽ không phải chịu tác động trực tiếp từ ánh nắng mặt trời.
Thông thường, nếu cây hấp thụ đủ ánh sáng chúng sẽ cứng cáp, có màu xanh ngả vàng và bề mặt lá sáng bóng, điều này chứng tỏ bạn đã chăm sóc đúng cách.
Ngược lại, nếu phần lá mỏng có màu xanh đậm, mặt lá kém bóng thì chứng tỏ cây đang thiếu sáng.
Về độ ẩm
- Đây là một trong những loài cây ưa ẩm, vì vậy bạn không nên để chúng quá khô.
- Tốt hơn hết nên tưới cây 2 lần/ngày vào mỗi buổi sáng và chiều tối.
- Đối với khu vực miền bắc, khi thời tiết lạnh hãy bắt đầu điều chỉnh, chỉ nên tưới 1 lần/ngày.
- Tưới nước nhiều hơn ở các giai đoạn cây đẻ nhánh, cây có chồi hoa, sau khi ra hoa. Tuy nhiên, trong thời điểm cây chuẩn bị ra hoa hay đang trong giai đoạn phát triển hoàn chỉnh thì hãy nên giảm lượng nước tưới.
Về phân bón
- Loại phân bón giúp cây Lan Kiếm phát triển tốt chính là phân NPK.
- Về thời điểm, bạn chỉ nên bón phân trong thời kỳ cây đang phát triển với liều lượng vừa đủ.
- Để tránh tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, bạn nên tránh việc dùng phân hữu cơ.
>> Xem thêm: Cách trồng Hoàng thảo hương vani – Dendrobium linguella
Hy vọng với những thông tin bên trên có thể giúp bạn nắm được cách trồng Lan Kiếm. hãy bắt đầu từ khâu chọn được giống cây khỏe mạnh để chúng có thể phát triển thật tốt về sau nhé.