Cách trồng và chăm sóc lan phi điệp toàn tập

Cách trồng và chăm sóc lan phi điệp và chăm sóc chúng chưa bao giờ là khó cả. Trong thực tế lan phi điệp rất dễ trồng. Dù là người mới chơi lan bạn cũng có thể được sở hữu những giò lan phi điệp đẹp. Chỉ cần bạn biết cách trồng và chăm sóc chúng sao cho hợp lý. Việc này không khó khi bạn chịu đọc hết bài viết này, hihi. Vì đây là mình cũng học hỏi của các bậc cao thủ lan nhiều nơi.

Cách trồng lan phi điệp

Các loại lan rừng nên trồng

Mới chơi lan, theo mình chọn lan rừng là phù hợp nhất và cũng đẹp nhất. Lan rừng có nhiều loại, có loại dễ thuần, có loại khó thuần, có loại gần như không thể thuần. Có loại hợp khí hậu vùng này, có loại hợp khí hậu vùng khác, tuỳ sở thích, điều kiện khí hậu mà chơi.

Lan rừng nhiều loại nhưng tựu chung lại có 4 nhóm chính: Thân thòng ( như Phi điệp, trầm, long tu, u lồi, kèn, hạc vỹ…). Giáng hương, đơn thân (quế, nhạn, tam bảo sắc, đai châu, cáo, sóc, hải yến…) địa lan và hài. Trong các nhóm này theo mình có 4 loai nên trồng nhất đó là Phi điệp (giả hạc), Đai Châu (nghinh xuân, ngọc điểm, tai trâu), Kiều và Quế vì 4 loại này hội đủ các yếu tố dễ trồng chăm sóc, hoa đẹp, thơm, màu hoa và hình dáng hoa đa dạng. Riêng đai châu nở vào Tết cổ truyền nên càng quý. Chỉ cần bạn có một giò lan phi điệp quý, một trụ đai châu khủng, một giò kiều đẹp hay giò Quế lớn là bạn đủ để người khác phải nể rồi.

Cách trồng lan phi điệp

Tại sao lại chọn trồng và chơi lan phi điệp?

Vì sao mình lại đặt nó lên hàng đầu? tất nhiên là có lý do của nó.

Lan phi điệp rất dễ trồng và nhân giống

Ai đã từng trồng lan rồi sẽ biết rằng Phi Điệp cực kỳ dễ trồng cách trồng lan phi điệp cũng rất đa dạng. Thật vậy các cụ xưa đã đem lan ở rừng về cột vào thân cây trong vườn chả tưới tắm gì mà vẫn xanh tốt, ra hoa đều đặn. Mình đã gặp ở nhiều nơi, chỉ cột vào thân nhãn, mít, thậm chí cau nắng chiếu gần như trực tiếp vẫn to đẹp.

Nó phù hợp với mọi vùng miền, từ miền bắc, núi cao khí lạnh, đến miền nam mưa nhiều, miền trung khô nóng, vùng biển mặn mòi đến tây nguyên nắng gió, đều trồng và ra hoa được.

Lan phi điệp có thể treo dưới gốc cây, ghép cây sống, treo giàn, ghép dớn, gỗ, chậu đều ok. Nó có thể chịu nắng tới 100% ( trừ nơi nắng gắt). Có nơi mình thấy người dân còn dùng thau nhôm thủng, lốp ô tô, giỏ xe đạp… Trồng cũng ok.

Cách trồng lan phi điệp

Lan Phi điệp có hoa rất đẹp

Hoa lan phi điệp là loại hoa đẹp với màu sắc quyến rũ, từ tím đến hồng nhạt, trắng tinh khôi. Lan Phi điệp thuộc loại đa dạng nhất về màu hoa và khuôn bông. Chưa có thống kê nào chính thức nhưng chắc cũng phải có đến trên dưới cả 1000 mặt hoa khác nhau.

Hiện nay, loại lan phi điệp 5 cánh trắng và trắng tuyền là loại đặc biệt được ưa chuộng và cũng đẹp. Hình dạng hoa cũng có nhiều hình dáng khác nhau như cánh cong hay cụp, kích cỡ to hay nhỏ, môi hoa hình bầu hay nhọn… Sau này chơi lâu chúng ta sẽ tìm hiểu dần về mặt hoa để biết thêm nhé.

Hoa lan Phi điệp bền và rất thơm

Cũng như hầu hết các loại lan rừng khác, hương hoa phi điệp rất thơm. Mùi thơm quyến rũ mà ai thưởng rồi sẽ không quên gần như hương Trầm, cũng tương tự lan Trầm.

Một giò lan phi điệp nở sẽ làm thơm ngát cả khu vườn, và khi đó ta đem vào nhà treo sẽ rất tuyệt. Hoa nở cũng khá bền nữa, như của nhà mình có cây gần một tháng mới tàn.

Cách trồng lan phi điệp

Lan phi điệp rất đa dạng về vùng miền

Phi điệp có sự phân bố vùng miền rất đa dạng. Chúng xuất hiện khá nhiều trong rừng của nước ta trải dài từ nam ra bắc. Nổi tiếng nhất phải kể đến như các vùng Hoà bình, Thái nguyên, Phú thọ, Cao bằng, Lạng sơn, Cát bà, Thái nguyên, Ninh bình, Phong nha, Daklay, Chumoray, Hòn hèo, Di linh… Mỗi nơi có đặc sắc riêng về màu và kết cấu hoa. Do vậy, nó được giới chơi lan thích thú sưu tầm vùng miền.

Lan phi điệp là loại lan có giá trị cao

Cuôi cùng không nói thì ai cũng biết hiện nay lan phi điệp là một cây trồng khá kinh tế. Đã có những nhà vườn đầu tư 1 cây giá trị vài chục triệu đồng nhưng sau đó lại bán được gấp vài chục lần số vốn ban đầu rồi.

Cách trồng lan phi điệp

Cách trồng và chăm sóc lan phi điệp

Trồng lan phi điệp vào khoảng thời gian nào là hợp lý nhất?

Đây là vấn đề khá quan trọng. Đặc tính của lan phi điệp thường ra mầm mới và ra hoa vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Sau đó cây tiếp tục phát triển và đến cuối thu thì bắt đầu xuống lá, thắt ngọn. Mùa đông là mùa nghỉ và mùa xuân lại chu kỳ mới, đa số cây sẽ sẽ ra mầm gốc hoặc hoa hoa ở thân đã rụng lá.

Như vậy, chúng ta nên trồng lan phi điệp vào mùa đông là thuận lợi và phù hợp nhất. Vì sao không phải mùa khác? Khi mùa đông cây đã nghỉ, lá đã rụng, và dinh dưỡng đã tích đủ chỉ chờ mùa xuân ấm áp là nảy mầm, mọc rễ và bung hoa. Ghép mùa này cây sẽ không bị dập lá, đứt rễ, gãy ngọn ảnh hưởng tới sự phát triển.

Nếu bạn ghép lan phi điệp vào mùa xuân, rất có thể sẽ vô tình làm hỏng mầm tơ rất mong manh, nó sẽ chột cây. Mùa hè khi ghép cây đang sinh trưởng sẽ bị chột do bị bóc rễ ra, lá rất dễ bị dập. Mùa thu là giai đoạn quan trọng tích dưỡng chất mà ghép cây sẽ không mập mạp đủ dưỡng chất cho mùa hoa năm tới.

Cách trồng lan phi điệp

Bạn nên chọn mua giống lan phi điệp như thế nào?

Mới chơi, bạn nên mua lan phi điệp đã trưởng thành. Nếu thành giề và đã được trồng trong vườn nhà càng tốt vì dễ trồng, dễ sống, cây khỏe. Bạn cũng có thể mua kie về trồng nhưng sẽ rủi ro vì bạn chưa có kinh nghiệm nên dễ chết, khó phát triển. Và bạn sẽ phải chờ vài mùa mới có hoa ngắm, dễ nản. Còn mua lan trưởng thành sẽ được chơi hoa ngay năm đầu. Điều đó sẽ cho bạn thêm hứng thú chơi lan (giữ được hứng thú lâu dài cũng là vấn đề quan trọng).

Về loại mua, mới chơi chúng ta không cần tìm hiểu nhiều về vùng, miền. Sau khi chơi có kinh nghiệm chúng ta sẽ tìm hiểu sau, nó là cả một vấn đề lớn.

Tất nhiên vùng miền có ảnh hưởng nhiều đến mặt hoa. Nhưng giờ ai biết được nó xuất xứ vùng nào. Trừ khi bạn tận mắt thấy nó đang mọc ở đó. Chính vì thế mới chơi bạn đừng nghe những lời rao bán mỹ miều trên mạng nhé. Xu thế bây giờ là cứ mặt hoa hoặc cây đẹp là mua. Đây là quan điểm cá nhân.

Còn về hiện người chơi lan phi điệp lâu năm ai cũng muốn có trong vườn nhà ít nhất 1 cây lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng. Cá nhân mình, không thấy vấn đề gì. Sau này khi đã có kinh nghiệm thì mua 1 cây chơi cũng chưa muộn.

Cách trồng lan phi điệp

Chọn giá thể để trồng lan phi điệp

Giá thể là chỗ cho lan phi điệp bám vào phát triển. Giá thể có thể cũng là nơi cung cấp độ ẩm, dưỡng chất cho cây lan. Tóm lại nó như như ngôi nhà của chúng ta vậy, phải an cư mới lạc nghiệp.

Giá thể trồng Phi điệp rất dễ tìm, nếu nhà bạn có cây sống thì tuyệt vời rồi. Ghép trực tiếp vào cây sống là phương pháp ông cha ta đã làm từ bao đời. Đây cũng là cách hợp tự nhiên nhất như trong thiên nhiên, nơi mà lan Phi điệp sinh sống. Cây sống sẽ cung cấp độ ẩm cho rễ của lan. Vỏ cây mục sẽ cho lan dưỡng chất. Nên nhớ lan không làm hại cây chủ vì lan không phải loại ký sinh, không ăn bám vậy Lan mới quý.

Quan trọng là trồng lan phi điệp như vậy chúng ta sẽ không phải chăm sóc nhiều. Mình đã thấy bà con ta cứ bỏ mặc mà em nó vẫn xanh tốt và hoa sai đẹp. Cách này có hạn chế khi mưa nhiều, nắng to, gió bão có thể làm hỏng cây, vì không treo vào nơi an toàn được.

Có thể bạn sẽ thích: Cách tưới nước cho lan phi điệp theo mùa

Dưới đây là 1 số giá thể trồng lan phi điệp phổ biến hiện nay.

Gỗ khô

Đây là giá thể phổ biến nhất, dễ kiếm, rẻ tiền, dễ ghép, dễ tạo hình nghệ thuật. Bạn nên chọn gỗ chắc, khó mục thì giá thể sẽ bền, lưu ý vài loại gỗ đắng, độc không nên dùng như xoan, bạch đàn. Chúng ta hiện sử dụng phổ biến nhất là gỗ nhãn, vải, vú sữa… Một trào lưu đang thịnh hành là dùng gỗ lũa để ghép lan phi điệp vào đó. Làm như vậy giá trị giò lan sẽ tăng lên nhiều lần cả về thẩm mỹ và giá thành.

Dớn

Mới chơi, nhiều bạn chưa hiểu là gì vì trước mình cũng vậy. Thực ra nó đơn giản là thân cây Dương Xỉ rừng, được cắt khúc phơi khô, có thể xẻ thành tấm, hoặc làm hình chậu. Với đặc tính thoáng, thoát nước nhanh, bền, rẻ nên cũng được ưa chuộng trồng nhiều loại lan, trong đó có Phi điệp. Bạn có thể tìm hiểu thêm về dớn trong bài viết dớn trồng lan

Chậu đất nung và chậu gỗ

Ưu điểm bền, nhưng theo mình thân thòng nhất là lan phi điệp trồng loại này nhìn không đẹp (đây là quan điểm và thẩm mỹ của riêng mình). Có thể trồng ngang, dốc ngược chậu, hoặc khoét ngang để trồng, cũng lạ mắt.

Chậu gỗ mới xuất hiện vài năm trở lại đây, nhưng chậu gỗ nhanh chóng được yêu thích. Mình cũng thích chơi loại chậu này.

Các loại giá thể trồng lan phi điệp khác

Tận dụng vật hư hỏng của gia đình bạn cũng có thể làm một giá thể độc cho giò lan của bạn. Như: can hỏng, xô chậu hỏng, bạn đục lỗ xung quanh. Lốp ô tô, xe máy, bình muối dưa, có bạn còn dùng cả vạt giường… Miễn đừng lấy đồ dùng đang tốt ra làm là bị vợ xử đó. Lúc đó thì không có cơ hội chơi lan nữa đâu ^^. (Sự ủng hộ của một nửa là nhân tố lớn tới đam mê và khả năng hiện thực của bạn đấy).

Bạn có thể sáng tạo giá thể nào tuỳ bạn, miễn đủ tiêu chí: có chỗ cho lan bám rễ, giữ ẩm tốt mà thoát nước nhanh (thế mới khó), bền, thẩm mỹ.

Cách trồng lan phi điệp

Chất trồng trong chậu

Do chậu gỗ và đất nung hay chậu gì khác cần chất trồng để bám rễ, cung cấp nước và dinh dưỡng. Mình thấy mỗi người, mỗi nơi một cách, không có công thức chung nào. Người cho than hoa, người cho dớn, người cho vỏ cây, rêu rừng, bã chè, sơ dừa, hoặc tổng hợp, … Nói chung không quan trọng lắm. Miễn là đủ tiêu chí như trên và có thể cung cấp hoặc dự trữ nước, dinh dưỡng cho lan phi điệp sống là ổn.

Mình dã thấy có nhà người hoà bình trồng bằng thau nhôm thủng. Cho gỗ mục cây trồng chui xuống qua lỗ thòng xuống mà dài cả 2 mét. Hỏi họ bảo chả chăm sóc gì, chỉ thỉnh thoảng tưới nước gạo. (Mình cũng có bài về sử dụng nước vo gạo tưới lan. Bạn có thể tham khảo tại đây nhé ).Lan phi điệp trồng trong chậu nhôm phát triển rất tốt

Cách trồng lan phi điệp mới mua về

Trước khi trồng lan phi điệp ta phải có dụng cụ. Các bạn nên mua một súng bắn ghim. Giá từ 80-110k làm sẽ nhàn và đẹp nếu không có vẫn OK. Ngày đầu mình chả có cũng làm được. Dây buộc có thể dùng dây ni lông, dây vải… (Mình thích dùng dây ống nước mềm cắt dọc to khoảng ngón út là vừa bền, có độ co giãn vừa phải, tận dụng ống nước hỏng). Dây thép treo giá thể, vậy là OK .

Xử lý lan phi điệp mới mua về

Khi mua bạn nên chọn thân mập, đã thắt ngọn, nhiều thân tơ (thân hoa). Chú ý xem thân già trước hoa nở từ đâu ta có thể đánh giá được độ sai hoa của cây. Kinh nghiệm thân càng sẫm thì hoa càng tím. Thân xanh sạch tỉ lệ ra 5ct rất cao. Lá vàng úa, rụng bạn cũng đừng lo mà càng vui vì nhẹ cân. Trước sau lá này vào mùa nghỉ nó cũng rụng thôi.

Khi mới mua lan phi điệp về bạn hãy cắt rễ gọn gàng, còn lại khoảng 2-3 cm, cứ mạnh tay vào đừng sợ. Vì rễ này nếu để sẽ chết thôi, khó ra rễ mới mà lại đọng nước dễ gây ra thối rễ. Cắt tỉa thân đã già héo khô.

Xem thêm bài viết: Kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Phi điệp nở hoa đẹp

Chú Ý, chỉ thân héo khô thôi nhé. Còn thân vẫn tươi bạn phải để lại vì nó chính là nơi dự trữ dinh dưỡng cho cây non sau này đấy . Có bạn không biết thấy lằng ngoằng cắt đi cho đẹp. Thế là mầm non không được cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ èo uột, không to, dài được. (Lan phi điệp và thân thòng nói chung đều có đặc điểm này.)

Sau khi cắt tỉa gọn bạn bắt tay vào ghép. Mình đi từ dễ đến khó, có chi tiết nào chưa rõ cứ bình luận để mình sửa ngay bài viết.

Cách trồng lan phi điệp

Ghép lan phi điệp vào cây tươi

Dễ nhất rồi, bạn nên chọn các loại cây sau để trồng, theo kinh nghiệm sẽ tốt: Nhãn, vú sữa, Vải (cây phải cao, thoáng, chứ loại vải đồi thấp, tán lá dầy thì cay ít ánh sáng sẽ èo uột), mít, cau, lộc vừng, sưa, … Đây là những loại phổ biến còn tuy bạn. Có thể thử nghiệm cây khác như me điều, sung… Nói chung là có gì ghép nấy trừ xoan, bạch đàn, cây gỗ dầu.

Bạn lựa chọn sao cho ngọn cây quay xuống đất, áp rễ vào thân cây, thân tơ hướng ra ngoài ( khi hoa nở sẽ khoe hoa, thân non mọc ra bên ngoài thuận hướng). Dùng dây cố định chặt vào thân cây sống. Lưu ý chỉ buộc phần gốc, chú ý tránh mắt ngủ để cây dễ ra mầm mới năm sau. Nên nhờ người giữ, người buộc. Nên buộc vào vị trí cách mặt đất từ 2 mét trở lên, để cây còn thòng xuống, vừa đủ ẩm và đủ thoáng, buộc vào cành to.

Ghép lan phi điệp vào gỗ

Đây là kiểu ghép phổ biến nhất. Có 3 hình thức là gỗ tròn, gỗ tấm (thớt), và đẳng cấp nhất là lũa.

Xem thêm bài viết: Loại gỗ tốt nhất để trồng lan, bạn biết chưa?

Ghép vào gỗ tròn

Ta bắt đầu với gỗ tròn, về chất liệu đã nói ở trên. Còn kích thước thì tuỳ vật liệu sẵn có. Thường thì to bằng khoảng cặp giò của Hoa hậu Kỳ Duyên là đẹp. Dài cũng vậy nhé ( không tưởng tượng thêm), nếu bé quá sẽ khó ghép, nhanh kín rễ, giữ ẩm không tốt. To nặng khó treo.

Nên phơi cho gỗ khô mới ghép, phơi nắng cũng làm cho gỗ tiệt trùng, bớt nấm bệnh. Nhà vườn trồng nhiều họ phải xử lý thuốc. Ta ít không cần, bạn nào có nước vôi trong ngâm 1 ngày rồi ngâm sang nước sạch 1 ngày vớt lên là ok, đây là kinh nghiệm riêng mà mình hay làm

Gỗ tròn có 2 kiểu ghép: Ghép đứng lan xoè hình nơm như cái váy của mấy cô múa ba lê. Ghép ngang kiểu rèm che cửa đều hay. Cũng như cây sống, bạn úp rễ vào gỗ, cho xuôi than, dùng dây cột chặt, mình thích dùng súng bắn ghim để găm dây buộc sẽ dẹp và chặt chẽ, không nên đóng đinh, buộc dây thép dễ làm tổn thương cây, sau han gỉ. Tuỳ số luọng lan bạn có mà bố trí cho đẹp là được.

Ghép vào bảng gỗ

Bảng gỗ hiện bán sẵn trên thị trường rất nhiều. Bạn có thể tự làm, cắt lát khúc gỗ to dày 3-5 cm là vừa. Nếu gỗ nhỏ cưa chéo vát sẽ được bản rộng hơn và hình thức đẹp. Khoan lỗ thủng cho lan dễ bám rễ, thoáng gốc, khoảng cách 5-7 cm một lỗ. Bạn nên bố trí lỗ sao cho đẹp. Lỗ này cũng dễ buộc dây nếu các bạn không có súng ghim.

Bạn dùng dây thép to làm dây treo. Nên chọn dây không gỉ, cứng hơi khó buộc nhưng việc treo sau này sẽ tiện. (Phần gỗ tròn cũng tương tự nhé ), bền. Bạn chỉ nên ghép vào 1 mặt gỗ. Vì như vậy dễ điều chỉnh hướng đón ánh sáng cho cây

Dùng dây luồn qua các lỗ cột chặt gốc lan vào thớt. Tuỳ hình dạng của giề lan, gốc lan mà ốp vào cho sát mặt gỗ. Chỗ nào trống có thể lót sơ dừa, than, rêu vào cho chắc và cũng là để giữ ẩm. Bạn có thể dùng cả thớt gỗ hỏng nhà bạn để ghép trông cũng hay.

Ghép vào lũa

Đây là vấn đề sáng tạo của mỗi bạn, tuỳ thế lũa mà ghép cho thẩm mỹ. Nói về ghép lũa thì thật đa dạng. Mình đã thấy có nhiều giò cực ấn tượng. Có giò hoa không nhiều nhưng kết hợp cùng lũa thành tác phẩm tuyệt vời. Các bạn tham khảo trên các hội và tự sáng tạo theo cách riêng của mình nhé.

Cách trồng lan phi điệp vào dớn

Bạn mua dớn ở cửa hàng vật tư cho lan. Có 2 loại là dớn bảng và dớn chậu, giá tuỳ loại từ 10-50k là ok. Dớn bảng thì bạn ghép như thớt gỗ, nên dùng dây đồng, hoặc thép mềm xuyên qua dớn để cột lan vào bảng là ok.

Với chậu dớn cách trồng phổ thông là ngửa chậu lên cho khóm lan thẳng đứng hoặc xoè ngang. Có thể úp ngược và cho quay xuống, ghép vào xung quanh bên ngoài. Có bạn dùng rêu, sơ dừa phủ quanh rễ lan cho giữ ẩm. Cái này tuỳ bạn, tôi thấy không cần thiết vì khi trồng lan là ta phải tứoi ẩm thương xuyên rồi.

Hiện có loại giá thể đặc biệt là cây tổ quạ, bạn có thể ghép xung quanh rễ cây như với dớn,

Trồng lan phi điệp vào chậu

Chậu gỗ, đất, nhựa bạn cũng có thể trồng 3 tư thế, thẳng, ngang và thòng. Bạn phải cố định lan vào chậu trước khi cho giá thể vào. Lấy cục gỗ lọt trong chậu, cố định lan xung quanh cục này bằng dây như ghép gỗ tròn mình đã trình bày. Cho vào chậu buộc cục gỗ chặt vào đáy chậu qua các lỗ của chậu. Cho giá thể vào, chú ý gốc lan cần hở nhé đừng lấp kín rễ và gốc bị bí gốc, thối rễ.

Nếu để thẳng thì bạn dùng dây nhỏ buộc thân lan vào các dây của móc treo. Nếu để ngang bạn cần có vỉ hay thanh nép mặt chậu để giá thể không bị rơi nhé. Có người dùng thanh gỗ cài vào, có ười cắt miếng rổ tre nẹp, bạn làm thế nào cũng được, sau ra rễ thì nó sẽ bám hết không sợ rơi.

Các loại giá thể khác thì cũng tương tự nhé. Muôn vàn kiểu, từ gốc tre, ống bương, vỏ ti vi, bình ắc quy, gáo dừa, xô chậu, hòm đạn, bình hoa, … Có bạn chơi cả xong nhôm thủng mới kinh chứ. Vậy là ok phần ghép rồi nhé. Bây giờ treo vào đâu, giàn thế nào, nắng gió ẩm ra sao nhỉ?

Làm giàn treo lan phi điệp

Các bạn nhà có vườn rộng, sân rộng thì đó là tuyệt vời rồi. Bạn thật hạnh phúc đó kể cả là bạn vẫn còn nghèo. Vì nhiều bạn ở thành phố nhà tiền tỷ mà mơ ước một không gian vài mét vuông làm giàn treo lan cũng không có đâu.

Nhà bạn có cây xanh treo vào tán cây là tốt nhất vì bạn ít cây nên tiện chăm sóc. Không có cáy xanh bạn có thể tận dụng mái hiên, ô văng cửa treo lan cũng được. Với mái tôn thì hơi khó nhưng cũng vẫn có khả năng. Bạn muốn trồng nhiều nên làm giàn cho đẹp, chăm đại trà nhé. (Cách làm giàn bạn tham khảo thêm chi tiết tại đây nha: Cách làm giàn lan 2 tầng hoặc cách làm giàn lan mini)

Nguyên tắc nơi treo lan là :

  1. Tránh nắng trực tiếp, nếu giàn phải có lưới che.
  2. Phải đủ nắng cây mới khoẻ mạnh, sai hoa,
  3. Phải đủ ẩm cây mới phát triển đuọc
  4. Phải thoáng cây mới không sâu bệnh và lưu thông không khí để cung cấp dinh dưỡng cho cây (gọi là phong lan mà).

Giàn nên làm mái cuốn hoặc bán mái để nước dóc nước nhanh. Tránh xối trực tiếp vào giò lan. Vì đặc tính ngọn lan phi điệp phát triển sẽ hướng theo ánh sáng. Nên lan trồng bảng gỗ, dớn, hay kiểu rèm treo hãy treo theo hướng cố định. Có như vậy sau này thân lan sẽ đều đẹp, không bị uốn éo, mất mỹ quan. Lan giò xoè xung quanh thì thường xuyên đổi hướng để giò phát triển đều.

Với các bạn nhà ở phố có thể tận dụng sân thượng và ban công để treo lan. Làm giàn trên sân thượng các bạn nên chú ý che bớt nắng và gió. Cần tăng độ ẩm bằng cách trồng các chậu sen, súng, hoặc cây cảnh bên dưới. Hoặc kết hợp trồng địa lan hoặc lan hài. Một kiểu trồng sân thượng mình thấy phi điệp phát triển tốt đó là làm giàn lưới che trên. Xung quanh bên dưới trồng trúc trong các thùng xốp cao khoảng hơn 1m. Dưới nền lót ni lông (để chống thấm) và trải cát tạo độ ẩm cho lan bên trên.

Vấn đề treo lan ban công thì phi điệp cũng dễ xử lý. Có người nói lan phi điệp không ưa nắng hướng tây. Nhưng thực tế nhà ông cậu mình đã trồng treo ban công hướng tây lại rất tốt. Giàn lan nhà mình có mấy giò bên cạnh giàn nắng hướng tây chiếu xiên lại thấy dài và mập hơn bên trong. (Tuy nhiên chỉ chiếu xiên vào thân lan từ 5 giờ trở đi và không chiếu vào gốc lan). Như vậy, theo mình nhà bạn ban công hướng tây vãn treo lan phi điệp được. Vấn đề là không cho lan chiếu trực tiếp trước 4 giờ chiều. Như vậy bạn chỉ cần treo cao gần giáp trần là ok, bạn hình dung đc chứ.

Tốt nhất là bạn nên có tấm lưới che là ngon nhất. Nếu nắng gắt quá ta kéo xuống che vừa tốt cho lan vừa bảo vệ bộ cửa gỗ tiền triệu của bạn. Vậy cơ bản xong phần nhà cho lan rồi, sở dĩ mình phải nói kỹ vì sau với các loại lan khác sẽ kg cần nói lại nữa.

Chăm sóc lan phi điệp theo mùa

Đây mới là nội dung quan trọng chúng ta cần nhất. Nhưng sẽ là đơn giản nếu chúng ta đã nắm chắc phần trên và đọc tiếp phần này. Mình lại nói tiếp về cách chăm sóc nhé. Nên bắt đầu từ đâu nhỉ, có lẽ cứ theo tiến trình sinh trưởng của lan nhé.

Chăm sóc lan phi điệp vào mùa đông

Như vậy, sau khi chúng ta đã ghép lan phi điệp xong. Như phần trên đã nói là nên ghép vào mùa đông. Đặc tính của phi điệp là ngủ đông hay vào mùa nghỉ khá dài (từ 2 tháng trở lên). Thời gian này ta chỉ cần chăm sóc đơn giản là treo chỗ mát. Tưới phun sương tuần 1-2 lần cho thân khỏi teo tóp. Tránh ảnh hưởng số lượng và chất lượng hoa sau này. Các bạn chưa có giàn phun sương thì có thể dùng bình xịt loại nhỏ, giá khoảng 100k là ok.

Tuỳ thời tiết mà tưới cho phù hợp, khi trời quá hanh thì có thể cách một ngày tưới một ngày (đối với miền Bắc). Hết sức lưu ý không nên tưới quá nhiều và đậm cây sẽ ra ít hoa mà sẽ mọc kie ở thân ( Tuy nhiên có bạn lại thích có ky để nhân giống). Cũng cần kiểm tra thân hoa, đừng để teo tóp nhé.

Có lẽ đây là giai đoạn chờ đợi lâu nhất và sốt ruột nhất với người mới chơi. Vì lúc này lan phi điệp hầu như không thay đổi gì, rễ không mọc, lá trụi lủi. Đây là lúc thử thách sự kiên trì và đam mê của bạn nhất. Bạn chỉ có thể cảm nhận được sự thay đổi rất chậm, rất chậm của thân hoa. Bạn sẽ thấy lớp áo (màng) của thân hoa co lại, mắt hoa sẽ sưng lên, chậm lắm nhé. Nhưng đó là sự thay đổi kỳ diệu để mùa xuân về sẽ bật lên sức sống mãnh liệt.

Có bạn hỏi mùa này có bón phân gì không. Câu trả lời là không kể cả giò ghép mới cũng như đã thuần vì lúc này cây vào giai đoạn ngủ, như chúng ta ngủ ăn sao được nhỉ ????

Vậy là các bạn đã yên tâm rồi nhé. Đừng thấy giò lan của mình xơ xác mà buồn chán. Đúng là có lúc nhìn cũng nản nản thật. Vào các mùa khác thì thi thoảng thấy cái rễ nhú ra, cái chồi mới mọc, cái hoa to dần vui sướng bao nhiêu. Thôi cứ chờ nhé, chờ đợi rồi phát hiện ra sự thay đổi mới thích. Đây là cái thú của người chơi lan đó các bạn. (Người mới chơi chưa nắm được quy luật của lan nên mong từng ngày lan ra hoa). Điều mình cần lưu ý các bạn phía bắc là cần tránh treo chỗ gió may quá mạnh sẽ làm cây nhanh mất nước, thân hoa sẽ bị teo tóp. Còn vấn đề nữa, nếu mua thân còn chưa thật đứng ngọn cây sẽ gặp tình trạng này.

Đối với giò đã thuần thì có thể gặp trường hợp cây không chịu trút lá. Hoặc trút lá không đều, ta nên can thiệp bằng cách cắt lá để cho hoa ra sai và đều. Vậy mới đẹp (cắt lá có thể cắt 2/3 lá cho phần còn lại tự rụng. Hoặc bẻ gập 2/3 lá cũng được. Cách này nó sẽ tăng cường được phần dinh dưỡng vào thân hơn là cắt trụi luôn.

Chăm sóc lan vào mùa xuân

Mùa xuân đem đến cho chúng ta những niềm vui lớn trong cuộc sống. Đây cũng là mùa lan Hoàng thảo rừng đua nhau khoe sắc. Những ngày này các vườn lan, chợ lan ngập trong sắc hoa từ U lồi, Hạc vỹ, Long tu, Đùi gà, Vôi, Kèn, vảy rồng, kiều, hoàng lạp… Thật sự chúng ta phải thấy tự hào và hạnh phúc vì nước ta được thiên nhiên ban cho những loài lan đẹp và quý. (Nhưng cũng rất lo rằng một ngày nào đó rừng không còn nữa. Chúng ta không giữ được môi trường tự nhiên để bảo tồn những loài lan quý nữa. Nên chúng ta trồng lan trong vườn là góp phần bảo tồn lan rừng Việt Nam, chứ không phải là làm cạn kiệt lan như một số người nghĩ đâu nhé, hihi. Vậy chúng ta sẽ thêm vui các bạn nhỉ vì việc làm của mình không chỉ cho bản thân mình mà có ý nghĩa cho xã hội).

Hơi lan man một tý nhưng là để tạo hứng khởi cho chúng ta tiếp tục. Những ngày giáp tết này miền bắc và miền nam sẽ có mưa xuân nhiều. Trời nồm ẩm ướt rất khó chịu với chúng ta nhưng lại là điều kiện rất thuận lợi để cho lan Phi điệp nói riêng và các loại hoàng thảo rụng lá nói chung nảy mầm mới. Đến giờ (23/4 Dl) thì hầu hết các giò lan đã thuần hay mới ghép đều đã nảy chồi ở gốc. Một số loại có nguồn gốc từ tây nguyên hoặc Lào, cpc có thể chưa nảy mầm. Các bạn cũng yên tâm chờ đợi, tưới đủ ẩm là chồi non sẽ mọc thôi. Với các giò chưa ra chồi thì các bạn nên tham khảo sử dụng kích chồi. Có thể dùng Atonik, keiki duy để đánh thức trạng thái ngủ của lan phi điệp. Hoặc dùng B1 (loại cho phong lan) pha tỷ lệ loãng để tưới.

Cũng chưa có một công thức chung nào cả, và mỗi vườn có một bí quyết riêng. Nhưng các bạn nên nhớ dùng kích thích hay phân bón là con dao 2 lưỡi. Quá liều lượng sẽ gây sốc, thậm chí làm cây chết. Vì vậy, các bạn luôn pha với liều lượng loãng hơn so với hướng dẫn. Và chỉ nên thử với một giò nếu thành công thì năm sau sẽ áp dụng đại trà. Còn không thì cũng còn có giò khác mà chơi. Và chúng ta mới chơi nên cứ thuận lẽ tự nhiên là an toàn nhất, chỉ cần tưới đủ ẩm hàng ngày là được. Riêng bản thân mình thì chỉ dùng B1 pha loãng phun tuần một lần là OK, hàng ngày tưới đủ ẩm.

Chăm sóc lan phi điệp vào mùa hè và mùa thu

Có thể nói đây là giai đoạn mà cây phát triển mạnh nhất. Thời điểm đầu mùa hè hầu hết các loại lan nhất là dòng Hoàng Thảo đã lên chồi non và đâm rễ mới và chuẩn bị ra hoa hoặc đã ra hoa. Thời điểm này chúng ta cần chú ý chăm sóc cây về chế độ phân bón, tưới nước để cây phát triển tốt chuẩn bị cho giai đoạn phát triển ở mùa mưa. Do thời lượng bài viết quá dài bạn có thể tham khảo thêm bài viết về Cách chăm sóc lan phi điệp mùa hè, thu của mình Tại Đây

Bây giờ chúng ta sẽ đi tìm hiểu từng vấn đề chi tiết về chăm sóc lan phi điệp. Có mấy vấn đề lớn cần thực hiện khi chăm sóc đó là ÁNH SÁNG, TƯỚI NƯỚC, BÓN PHÂN, PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH, CẮT NƯỚC. Mình sẽ viết lồng ghép theo từng giai đoạn sinh trưởng của lan để các bạn dễ tìm hiểu

Cách chăm sóc lan phi điệp

Ánh sáng cho lan

Như đã nói, lan Phi điệp khá ưa ánh sáng nên bạn để cây nơi có đủ ánh sáng mới khỏe, mầm to dài, mới hình thành hoa được. (Đủ nắng cây sẽ ra hoa, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy, hihi). Vì vậy bạn hãy để ý cây của bạn nếu lá xanh thẫm, thân nhỏ vươn dài, mọc loằng ngoằng là thiếu sáng rồi đấy. Bạn phải nhanh chóng đưa ra chỗ nhiều nắng hơn. Với lan ghép cây sống bạn phải chặt tỉa bớt cành lá xum xê để nắng chiếu vào giò lan nhiều hơn.

Ngược lại, nếu lá màu cỏ úa, đầu lá khô héo vàng, thân tóp là nắng quá. Nhất là vào mùa hè nắng gắt bạn nênn đưa ngay cây lan vào chỗ râm mát hơn. Nếu ghép thân cau, hay nơi không xê dịch được thì bạn cần che được phần gốc.

Với các bạn có giàn có mái che bằng lưới chống nắng thì quá OK rồi. Phi điệp khá hợp môi trường nắng trong giàn dùng lưới che này. Tuy nhiên cần có thời gian sáng hoặc chiều cho nắng chiếu xiên trực tiếp thì cây sẽ khỏe đẹp, mập hơn. Đặc biệt lưu ý tránh ánh nắng gắt khi bạn vừa tưới hay vừa mưa xong nắng bừng nên. Vì cây rất dễ bị thối nhũn mầm, cái này miền Bắc hay bị vào tháng 7-8 âm lịch. Trong nam cũng hay có kiểu khí hậu này nên các bạn cần chú ý phòng tránh nhé.

Tưới nước cho lan phi điệp

Đây có lẽ là công việc cần làm nhất và thường xuyên nhất của một người chơi lan. Tưới cây vừa là công việc cần nhưng cũng là thời gian thư giãn hàng ngày của chúng ta. Thật thư thái khi vừa tưới lan vừa ngắm nghía cái lá , cái rễ cái mầm, cái nụ phát triển hàng ngày phải không các bạn.

Nước là một thành phần cơ bản của lan, là điều kiện tiên quyết để lan sinh sống. Trong môi trường tự nhiên, lan hấp thụ nước chủ yếu qua bộ rễ cây và qua lá. Rễ và lá lan hút hơi ẩm trong không khí là chủ yếu. Chúng hút nước ẩm ở những vỏ cây ẩm mục mà lan bám và nước mưa tự nhiên. Khi chúng ta đem về trồng ở nhà thì dù để ở ngoài trời hay dưới tán cây, có mưa tự nhiên thì gần như vẫn không đủ ẩm để cung cấp nước cho lan (ngoại trừ lan ghép cây sống). Do vậy ta phải tưới nước cho lan, nhưng tưới nước gì và tưới thế nào, tưới bao nhiêu là đủ.?

Nói chung là lan phi điệp không quá khó tính về việc tưới nước như mình đã nói ở phần đầu. Nhưng rõ ràng là có chăm sóc tốt thì cây vẫn đẹp hơn. Đó là điều đương nhiên.

Bạn nên dùng nước sạch để tưới cho lan nói chung. Nếu bạn có nước giếng khơi , hoặc sông, suối là ổn nhất. Hợp tự nhiên nước không bị hoá chất. Trong nước có thêm các yếu tố dinh dưỡng và khoáng chất cho lan. Nước ao cũng được nhưng không nên dùng nước ao tù sẽ dễ gây nấm bệnh. Nước máy thì bạn nên xả vào một thùng to để vài ngày cho bay hơi hết flo rồi hãng dùng tưới, nếu không hoá chất làm sạch nước sẽ hại cho lan. Đối với giếng khoan cũng vậy, cần được lọc kỹ, sợ nhất là nước giếng khoan nhiều sắt vàng khè mà tưới lan thì dễ ra đi lắm.

Có bạn tận dụng được nguồn nước chảy từ điều hoà ra dùng tưới lan cũng tốt, vì nó chính là hơi ẩm trong tự nhiên. Vấn đền có nên dùng nước vo gạo tưới lan hay không cũng là chủ đề tranh luận nhiều trên các diễn đàn lan. Nước vo gạo có nhiều tác dụng như chúng ta đã biết. Trong nước vo gạo có thành phần của vỏ hạt gạo phai ra. Chúng chứa nhiều dinh dưỡng và khoáng chất tốt cho các loai cây trồng nói chung. Lan cũng vậy, tuy nhiên đi kèm với đó lại là vấn đề vi khuẩn, nấm bệnh phát sinh vì vậy cũng có thể lại làm hại lan. Do đó bạn có thể dùng thử và tự đúc rút kinh nghiệm cho mình. Nếu không thì cứ nước sạch cho an toàn.

Câu hỏi tưới nước thế nào luôn được người mới chơi đặt ra. Không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này mà chỉ có những nguyên tắc bạn cần nắm. Như các cụ đã đúc rút đó là lan chết đa phần là do tưới nước quá nhiều chứ không phải do khô hạn. Nên cũng không cần quá chăm tưới nước. Tuy nhiên, lan phi điệp là loại lá to, nhiều lá nên bị bay hơi nước nhanh, nên phải cung cấp đủ cho nó

Bón phân cho lan phi điệp

Trên diễn đàn về lan, nhiều người đưa ra quan điểm nói không với phân thuốc. Lại có người chỉ dùng phân hữu cơ. Cá nhân mình xác định mình đang sống ở giai đoạn khoa học phát triển. Đã trồng lan thì phải chăm sóc thì cây mới phát triển tốt được. Cây không phân thuốc không thể tốt bằng cây được bón phân đầy đủ đúng cách.

Về dùng phân hữu cơ, đây là phân của những năm đầu thế kỷ trước. Ta không thể kiểm soát được thành phần các chất trong phân. Điều nữa, cây lan phi điệp chỉ hấp thu dinh dưỡng ở dạng khoáng chất. Nên phân hữu cơ phải có thời gian phân hủy lan mới hấp thu được. Trong khi ngày nay, khoa học phát triển người ta đã chế ra phân bón tổng hợp. Thành phần xác định cụ thể giúp cây lan hấp thu nhanh hơn, tốt hơn cớ sao ta không sử dụng. Quan trọng là phải sử dụng có kiểm soát và không được lạm dụng.

Trên đây là toàn bộ chia sẻ về cách trồng lan phi điệp cũng như cách chăm sóc lan phi điệp. Hơi dài, rất cám ơn các bạn đã đọc. Hy vọng với những chia sẻ này thì các bạn sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về quá trình trồng và chăm sóc lan. Qua đó rút ra được phần nào kinh nghiệm cho bản thân.

Nếu thấy bài viết hay và bổ ích hãy copy link và chia sẻ cho nhiều người cùng biết nhé. Nếu bạn có đóng góp nào cho bài viết sinh động hơn, hoặc có thắc mắc gì hãy để lại coment phía dưới mình sẽ cố gắng giải đáp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.

Xin đừng copy của tui :)

0354 030 468