Điều Kiện Sinh Trưởng Của Hoa Lan

Trên thế giới, Phong Lan được phân bố trên một diện tích khá rộng từ 68o vĩ Bắc đến 58o vĩ Nam, nghĩa là gồm 3 vùng khí hậu khác nhau, có lạnh, có nóng, có ôn hòa. Được sống với môi trường phù hợp, các giống Lan đều phát triển tốt, ra hoa đều đặn đúng mùa. Vì vậy, tốt nhất là chúng ta chỉ nên trồng những loại hoa Lan nào phù hợp với môi trường sinh thái của chúng, như vậy mới đem lại kết quả như ý. Với Lan ngoại nhập hoặc Lan rừng nội địa, khi mua ta cũng nên hỏi kỹ xuất xứ của chúng tại đâu để xem có phù hợp với môi trường sinh thái nơi mình sẽ trồng hay không. Vì thực tế cho thấy loài Lan xứ lạnh không thể cho hoa ở xứ nóng và ngược lại.

Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Sự Phát Triển Của Hoa Lan

Trong việc trồng Phong Lan, người ta phải kết hợp các yếu tố môi trường với các điều kiện sinh lý của cây Lan sao cho thật phù hợp, vì vậy mà có những phương cách trồng khác nhau ở những nơi khác nhau và ngay cả trong những loài giống khác nhau cũng phải có cách trồng khác nhau. Không có mô hình cứng ngắc trong việc trồng Lan, cho nên cách trồng ở Đà Lạt không thể áp dụng cho miền Trung, Hà Nội, Hồ Chí Minh hay ngược lại. Ngay tại Thành phố, việc trồng trên sân thượng hay ở sân vườn, sân mặt đất cũng khác nhau. Vì vậy mà việc trồng Lan tốt đẹp ở vườn này lại không mang lại kết quả tốt ở vườn khác nếu ta áp dụng một cách máy móc. Cho nên, chúng ta phải rút ra những quy luật ở mỗi cách trồng để vận dụng vào mỗi hoàn cảnh cụ thể.

– Ánh sáng: ánh sáng là tối cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây Lan. Ánh sáng đem năng lượng cần thiết cho phản ứng quang hợp. Nhờ vậy mà cây Lan tạo ra được chất dinh dưỡng. Khi ánh sáng ít thì cây Lan không tạo ra đủ dưỡng liệu để sống. Nếu mỗi ngày chỉ có 8 giờ sáng thì nhiều cây không phát triển được. Vì cường độ ánh sáng tỉ lệ thuận với cường độ quang hợp cho nên vào những ngày nắng cây cần nhiều nước và muối khoáng để tạo ra dưỡng chất hơn là trời âm u. Đó là lý do khiến ta phải tăng lượng nước tưới và phân bón vào mùa nắng, giảm đi vào mùa mưa hoặc không nên bón vào những ngày trời âm u, tối.

Ánh sáng gia tăng dần vào lúc 7 giờ, cực đại vào lúc trưa, rồi giảm dần vào buổi chiều. Sau 17 giờ và trước 7 giờ cường độ sáng không đáng kể. Vì cường độ sáng cực đại vào lúc trưa nếu cây Lan tiếp xúc với nắng lúc ấy sẽ dễ gây ra hiện tượng cháy lá nên phải làm giàn che.

Ánh sáng còn chi phối việc ra hoa ở một số loài. Hầu hết các giống Cattleya, Dendrobium,… nếu thiếu sáng thì cây sẽ không ra hoa.

Ánh sáng rất cần thiết cho sự quang hợp, nhưng nhu cầu ấy lại khác nhau ở mỗi cây Lan. Đối với những cây chịu rợp, khi cường độ sáng yếu thì cường độ quang hợp sẽ gia tăng cực đại, nếu gia tăng cường độ sáng nữa thì nó lại ngưng quang hợp. Ngược lại, ở những loài chịu sáng như Vanda, Mokara, Renanthera,… cường độ quang hợp tăng theo độ sáng. Nên đối với những cây này khi ánh sáng yếu thì cường độ quang hợp giảm, do đó chúng sẽ thiếu thức ăn, cây sẽ suy yếu và không có hoa.

Tùy theo nhu cầu ánh sáng, Lan được chia ra làm 3 nhóm:

o Nhóm chịu nắng: đòi hỏi ánh sáng nhiều, khoảng 80% – 100% ánh sáng trực tiếp. Gồm các loại Vanda lá hình trụ, Renanthera, Mokara,…

o Nhóm trung gian: có nhu cầu ánh sáng khoảng 50% – 80%  ánh sáng như Cattleya, Dendrobium,…

o Nhóm chịu mát: đòi hỏi ít ánh sáng, khoảng 30% ánh nắng như Phaleanopsis, Paphiopedilum (Lan hài),…

Tùy theo nhu cầu ấy mà lên kế hoạch làm giàn che sao cho phù hợp.

– Nhiệt độ: nhiệt độ tác động của cây Lan qua con đường quang tổng hợp. Ta nên biết rằng cường độ quang hợp gia tăng theo nhiệt độ. Thường khi nhiệt độ tăng 10oC thì cường độ quang hợp lên tăng gấp đôi. Chính vì vậy mà nhiệt độ cao làm gia tăng sự phát triển dinh dưỡng  ở cây Lan. Vì lý do này mà vào mùa nắng ta tăng lượng phân bón cho Lan để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng gia tăng ấy.

Nhiệt độ liên quan đến ánh sáng vì cây Lan thu nhận nhiệt lượng từ ánh sáng Mặt trời và sẽ tỏa nhiệt ra. Nếu nhiệt thấm vào cây Lan mà không tỏa ra được thì diệp lục tố sẽ bị thiêu hủy, lá sẽ ngả vàng và phản ứng quang hợp sẽ bị đình chỉ. Nhiệt độ ở lá dưới ánh nắng vào bất kỳ thời gian nào cũng luôn luôn cao hơn nhiệt độ của không khí quang nó. Sự tổn thương nhiệt độ tùy thuộc vào thời gian cây Lan phơi bày ra nắng. Không khí luân chuyển sẽ giúp cây tránh được điều đó.

Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá thấp làm cho nước trong tế bào của cây kết tinh thành nước đá, làm gia tăng thể tích, phá vỡ các cấu trúc của tế bào. Ngược lại nhiệt độ tăng quá cao thì sự quang hợp ngừng lại vì nguyên sinh chất trong tế bào đặc quánh lại do mất nước, cây ngừng hô hấp và từ từ chết đi.

Và như vậy chúng chỉ phát triển tốt nhất trong khoảng nhiệt độ cực đại là 35oC, nhiệt độ cực hảo là 27oC.

Rõ ràng, nhu cầu nhiệt ở cây Lan có khác nhau nên ta gặp chúng tập trung thành những nhóm Lan khác nhau ở những vùng nhiệt độ khác nhau: Lan vùng núi cao, Lan vùng đồng bằng, Lan vùng nhiệt đới, Lan vùng ôn đới.

– Độ ẩm: các cây Lan, nhất là Phong Lan, sống bám trên các cây cao, chúng lấy nước từ các trận mưa, từ hơi nước trong không khí. Chính độ ẩm quyết định sự hiện diện của các loài Phong Lan.

Yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đối với độ ẩm là mưa, nhưng không phải mưa to hay mưa nhỏ mà chính sự phân bổ mưa trong năm mới thực sự quan hệ. Mưa rải rác tạo độ ẩm cao hơn mưa tập trung, vì vậy mà các vùng mưa nhiều, độ ẩm cao sẽ có nhiều Phong Lan.

Nước từ các trận mưa, từ không khí ẩm vào rễ, di chuyển qua thân và thoát hơi nước qua lá. Sự di chuyển ấy là vô cùng quan trọng đối với cây Lan vì nó giúp cho việc vận chuyển thực phẩm trong cây. Lượng nước ấy là rất lớn cho nên phải tưới nước cho Lan.

Cây thiếu nước vì hiện tượng thoát hơi nước xảy ra qua lá. Sự thoát hơi nước là hiện tượng bốc hơi cho nên nó tùy thuộc vào độ ẩm. Nếu không khí no hơi nước thì không có sự thoát hơi nước, nhưng nếu không khí khô ráo thì sự thoát hơi nước gia tăng mau. Nhưng nếu không khí quá khô thì khí khẩu đóng lại và sự thoát hơi nước sẽ ngừng.

Sự quang hợp và hô hấp rất cần nước cho nên khi thiết nước thì các phản ứng biến dưỡng giảm đi hay ngừng nghỉ. Sự thiếu nước xảy ra vào mùa khô, lúc ấy lá khô héo và rụng đi, cường độ quang hợp thấp. Để tránh sự bất lợi này vào mùa khô hạn, các địa Lan thường héo khô thân lá, chủ còn củ là sống nghỉ dưới đất chờ mùa mưa và phát triển trở lại. Còn đối với Phong Lan ở vùng khô thì có lá mập và dày để dự trữ nước, có lớp cutin dày ở ngoài của lá để chống lại sự thoát hơi nước hoặc phiến lá nhỏ lại hay biến thành hình trụ như trường hợp của Vanda, hoặc thậm chí lá vàng rụng đi như ở Báo hỷ (Dendrobium secundum).

Việc chọn địa điểm thích hợp cho việc lập vườn Lan sẽ giúp ta giảm được rất nhiều công sức chăm sóc cho Lan, trong đó có yếu tố ẩm độ là yếu tố quan trọng bậc nhất vì trong thiên nhiên chính yếu tố ẩm độ chi phối việc xuất hiện của các vùng có Phong Lan. Về phương diện này ta cần lưu ý 3 loại ẩm độ:

o Ẩm độ của vùng là ẩm độ của khu vực rộng lớn, nơi mà ta sẽ thiết lập vườn Lan. Ẩm độ của vùng do điều kiện địa hình, địa lý nơi ấy định đoạt. Ví dụ, ẩm độ của vùng cạnh sông, rạch cao hơn ẩm độ của vùng đồng trống nhiều gió; ẩm độ của vùng đồi trọc sẽ thấp hơn ẩm của vùng có vườn cây ăn trái;…

o Ẩm độ của vườn là ẩm độ chính ngay trong vườn Lan, ẩm độ này có thể cải tạo theo ý muốn bằng cách đào ao, làm mương rãnh, trồng cây, rải cát, làm giàn che, tưới nước,…

o Ẩm độ trong chậu còn được gọi là ẩm độ cục bộ, tùy thuộc cấu tạo giá thể (chất trồng), thể tích của chậu, loại chậu, vị trí đặt chậu, cách tưới nước. Nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ thuật của người trồng Lan.

Sự hài hòa ẩm độ sẽ theo chiều từ vùng rộng lớn đến vùng nhỏ hơn. Nghĩa là nếu ẩm độ của vùng cao thì ẩm độ của vườn sẽ cao và ẩm độ của chậu cũng sẽ cao. Điều này sẽ giúp chúng ta dễ dàng điều chỉnh ẩm độ hoàn hảo cho sự phát triển của cây Lan. Ví dụ, ở vùng có ẩm độ thấp (khô) thì ta cấu tạo giá thể bằng những vật liệu giữ ẩm mạnh như xơ dừa hoặc tăng số lần tưới nước lên. Nhưng cần lưu ý rằng độ ẩm của vùng cao thì vẫn sẽ tốt hơn ẩm độ cục bộ trong chậu cao, vì ẩm độ trong chậu cao sẽ chứa nước nhiều, dễ gây úng thối làm hư bộ rễ của cây Lan, rễ Lan luôn luôn cần thoáng chứ không chịu ngộp nước. Do

đó, chọn địa điểm để thiết lập vườn Lan phù hợp sẽ giúp ta giảm được đáng kể chi phí cải tạo môi trường bất lợi.

– Độ thông thoáng: cũng là một yếu tố cần thiết cho Lan phát triển tốt. Không khí nơi vườn Lan cần được thay đổi mỗi phút. Lượng không khí luân lưu này không những cần để làm mát cây mà còn làm thay đổi lượng CO2 cần cho sự quang hợp của cây. Lượng CO2 trong không khí là khoảng 340 phần triệu. Trên mặt lá lượng CO2 này giảm nhiều vì liên tục bị cây hấp thụ vì vậy không khí cần được đổi mới liên tục để tái lập lượng CO2 xung quang mặt lá. Ở vùng mà thiếu thông thoáng thì rất ham hơi nhất là khi độ ẩm tăng, nhiệt độ tăng. Càng thiếu thông thoáng càng dễ gia tăng bệnh cho Lan. Nhưng sự thông thoáng quá lớn thì lại gia tăng sự bốc hơi làm cho môi trường có ẩm độ thấp, sự thoát hơi nước ở cây nhanh, cây sẽ kém phát triển. Vì vậy ở những nơi quá thông thoáng như sân thượng, nơi đồng trống,… thì phải che chắn xung quanh. Độ dày mỏng của lưới che, mật độ cây (số nhiều) cũng ảnh hưởng đến độ thông thoáng, nhiệt độ của vườn Lan.

– Giàn che: việc lập giàn che cho Lan là để duy trì bóng mát cho cây Lan tránh ánh nắng trực tiếp vào lúc trưa hay mưa to. Như vậy mục đích chính của giàn che là điều chỉnh cường độ ánh sáng cho phù hợp với nhu cầu của cây Lan đang trồng.

Giàn che tất nhiên luôn cả giàn Lan nên đặt dài theo hướng Bắc Nam là tốt nhất để có thể nhận được nhiều ánh sáng ban mai về hướng Đông. Bên đó phải thông thoáng để ánh sáng tràn vào và những nơi cần nhiều ánh sáng buổi chiều vì ánh sáng ban mai gia tăng cường độ sáng lên từ từ nên không gây ra cho cây Lan một cái sốc nhiệt như là ánh sáng nóng bức của buổi chiều, lúc mà môi trường hực nóng vì tất cả đang trả nhiệt khi tiếp nhận ánh nắng gay gắt của buổi trưa.

Trong những năm gần đây lưới che bằng nylon được nhập về làm mái che cho các vườn Lan đã trở nên khá phổ biến ở Việt Nam. Để thay thế cho các kiểu mái che làm bằng nẹp che đã trở nên lỗi thời vì không bền và phân bố ánh sáng không đều trên cây Lan, trong khi làm mái che bằng lưới nylon chúng ta tiết kiệm được rất nhiều công sức và vật tư. Chúng khá bền, nhẹ và tiện lợi vì có nhiều độ dày, thưa theo nhu cầu ánh sáng của cây Lan. Chúng được dệt bằng những sợi nylon màu xanh hay đen nhỏ, chúng chỉ làm giảm cường độ ánh nắng mà không tạo ra bóng như nẹp tre nên không cần lưu tâm đến hướng của Mặt trời khi căng lưới làm mái che. Dù lưới đen hấp thụ nhiệt làm cho vườn Lan nóng hơn, nhưng chúng không gây cản trở sự quang hợp của cây Lan như lưới xanh. Khi sử dụng lưới này để làm giàn che sẽ không cần nhiều vật tư vì chúng nhẹ nên cần ít cột trụ đứng hơn và chỉ cần dây kẽm dăng ngang để buộc lưới. Điều cốt yếu là phải căng thật thẳng để được bền lâu.

Chiều cao của mái che: Mái che hấp thụ năng lượng Mặt trời và tỏa sức nóng ấy lên cây Lan, nên mái che càng xa cây Lan càng tốt. Nhưng giàn che cao quá thì các cột trụ phải vững chắc, kiên cố để tránh gió làm gãy, ngã và như vậy sẽ rất tốn kém, vì vậy chiều cao trung bình của giàn che là  2.4-3.5m

Nếu trồng treo thì không nên móc các chậu Lan ở mái che mà phải có các thanh ngang tạo thành giàn treo ở dưới mái che để máng các cây Lan thường các chậu ở khoảng 1m từ đáy chậu đến mặt đất để có thể nhìn thấy gốc Lan.

Nếu trồng sạp thì bề cao của sạp phải trên 8 tấc để tránh đất bắn vào khi trời mưa. Chiều ngang thì không quá rộng để có thể với tay đến các cây Lan khi chăm sóc hoặc lúc thu hoạch. Chiều dài thì theo cuộc đất và cách bố trí của vườn, nhưng không nên quá dài, bất lợi khi di chuyển từ sạp này sang sạp kia. Khoảng cách giữa các luống, sạp phải đủ rộng để dễ di chuyển và không làm đụng chạm, gãy đổ ngã cây hoa. Các sạp nên dùng gỗ lâu mục, tốt nhất nên dùng kim loại không bị gỉ sét hoặc phải sơn chống rét. Dĩ nhiên là tùy điều kiện kinh tế và tình trạng vật tư, có thể sử dụng từ tre, gỗ đến xi măng,… để làm giàn Lan.

– Tưới nước: thực hiện việc tưới nước là đơn giản nhưng ít ai ngờ đến tầm quan trọng của nó. Nước cần cho sự sống của cây Lan, nhất là lúc đang phát triển dinh dưỡng. Thiếu nước Lan sẽ khô héo rồi dần dà sẽ chết, nhưng dư nước sẽ làm cho chúng thối nhanh chóng vì bộ rễ bị ẩm ướt, ngộp nước, thiếu oxy làm chúng thối mục, không hấp thụ được dưỡng chất.

Như vậy, ta phải tưới nước như thế nào? Việc tuối nước phải bảo đảm hài hòa với nhiệt độ, độ ẩm và cả với ánh sáng. Đó là một nghệ thuật tùy thuộc vào kinh nghiệm của người trồng Lan. Vì vậy không có một công thức duy nhất nào quy định mỗi ngày phải tưới mấy lần, mỗi lần tưới bao nhiêu nước. Ta không thể lấy lịch tưới ở vườn Lan này áp dụng cho vườn Lan kia trong khi môi trường xung quanh khác nhau. Tuy nhiên ta có 3 vấn đề cần biết để thiết lập việc tưới nước cho Lan. Đó là, phẩm chất của nước – liên quan đến nguồn nước; lượng nước tưới – liên quan đến cách tưới; các yếu tố ảnh hưởng đến việc tưới nước – liên quan đến chế độ tưới nước.

o Nguồn nước tưới:

+ Nước mưa: là nguồn nước lý tưởng nhất vì vừa sạch lại không tốn tiền. Độ pH 6-7 của nước mưa rất phù hợp cho Lan. Những cây Lan được tưới nước mưa đều đặn sẽ phát triển rất tốt, ít bị bệnh tật, tỷ lệ cây chết thấp vì nước mưa rất trong sạch.

+ Nước máy: có nguồn gốc từ sông tương đối không bị ô nhiễm, không chứa nhiều lượng muối khoáng làm hại cho cây Lan, nhất là về mùa mưa nên cũng là nguồn nước tưới cho Lan nhưng lại phải trả tiền và đôi khi có khá nhiều Clo không tốt cho Lan. Về mùa khô đôi khi lại bị lượng muối khá cao nên cần phải thận trọng xem xét lượng muối khoáng trong nước máy về mùa khô. Không nên dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh để tưới cho Lan.

+ Nước giếng: cũng là nguồn nước tưới cho Lan nhưng cần tránh nước cứng và cũng chú ý đến độ phèn, độ pH của nó nữa. Nước cứng là nước có lượng muối magiesium hay calsium tương đối cao, mặc dù magiesium và calsium đều là những chất cần thiết cho sự tăng của Lan nhưng quá cao sẽ có hại cho Lan, làm tổn thương rễ, hư đen đầu lá.

o Cách tưới nước:

+ Phân lớn cây Lan ta trồng có hệ rế nửa không khí và không khí (vừa bám vào chậu, vừa chua ra khỏi chậu) nên việc để cho rễ khô ráo vài giờ trong ngày là cần thiết. Vì vậy mà

không để cho chúng ẩm ướt liên tục, trái lại cần có khoảng thời gian khô nhẹ giữa hai lần tưới.

+ Chất trồng ở cây Lan cần được tưới thấm từ trên mặt cho đến khi nước chảy xuống dưới đáy chậu, và chỉ tưới trở lại khi sờ vào chất trồng thấy nó khô. Nếu bề mặt chất trồng không khô giữa hai lần tưới thì rễ Lan sẽ bị thiếu oxy vì chất trồng bị úng nước, thiếu thoáng và cây sẽ tăng trưởng không tốt.

+ Bằng cách để cho khô, không khí được trao đổi trong chất trồng và oxy được giàu thêm ở trong đó, rễ phát triển tốt, cây tăng trưởng thuận lợi. Vì vậy việc để chất trồng có lúc được khô là tái lập điều kiện sống của Lan, nhưng nếu để quá khô thì có thể gây tổn thương cho cây lan.

+ Không tưới nước thì cây Lan được khô đã đành, lắm lúc tưới nhiều, tưới xối xả mà cây Lan vẫn bị thiếu nước vì khả năng giữ nước kém của chất trồng. Chất trồng đa số là vật hữu cơ như: xơ dừa, than gỗ, vỏ cây thông,… Một khi đã để quá khô thì khó lòng mà làm ướt trở lại. Cho nên lúc đó nước tưới có thể chảy tuột trên bề mặt chất trồng qua chậu và rơi vãi xuống đất nhưng không thấm ướt chất trồng. Nếu cứ tiếp tục như thế thì rễ bị khô dù hàng ngày ta vẫn tưới nhiều nước.

+ Cho nên một điều đáng quan tâm nữa là không phải tưới nước xối xả là tưới nhiều mà phải tưới phun sương nhẹ hạt và phải di chuyển đi qua một lượt rồi mới tưới trở lại, nếu cần có thể tới đến lần thứ 3, vì nếu tưới xối xả hay tưới nhẹ hạt ở một chỗ thì nước chỉ chảy tuột xuống đất mà không thấm vào chất trồng được.

+ Muốn biết đã tưới cây đủ hay chưa thì cứ 14-15 giờ chiều ta hãy xem đáy chậu: nếu thấy đã khô ráo thì lượng nước tưới ngày hôm đó chưa đủ, ngày sau phải tưới tăng lên. Ngược  lại, 16-17 giờ chiều mà đáy chậu vẫn chưa khô ráo thì ngày đó tưới du nước, ngày sau phải bớt lại. Tốt nhất là khoảng 16-17 giờ đáy chậu vừa khô ráo là đủ.

+ Thường thì ta tưới nước vào buổi sáng và buổi chiều, nhưng nếu quá khô nóng thì tăng thêm số lần tưới vào buổi trưa. Nhưng tưới vào lúc này phải thật nhiều nước (tưới đậm), nếu không, nước tưới vào sẽ bị nóng lên làm hỏng cây, vì vậy, tốt nhất vào buổi trưa nắng gắt nên làm ẩm môi trường hơn là tưới trực tiếp vào cây Lan.

o Cách tưới nước: Nhu cầu nước cũng khác nhau tùy theo giống, loài Lan. Cây có nhiều lá, lá lớn, dễ mất nước nên cần tưới nước nhiều. Cây càng mập, dày nên càng giữ nước nhiều, chiệu hạn khá nên số lần tưới nước ít hơn. Những cây có nhiều rễ gió cần được tưới thường xuyên hơn. Vào thời kỳ tăng trưởng (ra hoa, ra rễ, đâm chồi,…) cây cần nhiều nước nên phải tưới gấp 2-3 lần bình thường. Vì vậy, đối với Lan đa thân có giả hành mập để dự trữ nước ta tưới nước ít hơn. Đối với Lan đơn thân không có giả hành và nhiều rễ gió ta nên tưới nước nhiều. Nhất là vào các ngày khô hạn, nhiệt độ cao cũng phải gia tăng số lần tưới nước.

o Theo chất trồng và môi trường trồng: Cường độ ánh sáng qua giàn che, đô thông thoáng của không khí, loại chất trồng, loại chậu, cỡ chậu, vị trí đặt chậu,… tất cả đều liên quan đến độ ẩm ở cây Lan, chúng giúp ta quyết định cách tưới cho Lan một cách linh độngnắng nhiều, gió nhiều, chậu thoáng, chất trồng lớn ít giữ nước,… thì tưới nhiều nước hơn và ngược lại, các chất trồng giữ nước mạnh như xơ dừa, dớn,… thì tưới nước ít hơn.

.
.
.
.

Xin đừng copy của tui :)

0354 030 468